Kể từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy sẽ chính thức hết hạn giá trị sử dụng, thay vào đó, các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin về cư trú của công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, cùng với lực lượng công an cả nước, Công an quận Hai Bà Trưng đã và đang tích cực, khẩn trương rà soát và phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để thực hiện các phương thức thay thế sổ hộ khẩu trong giao dịch hành chính, dân sự.
Như vậy, dù bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nhưng cơ quan chức năng vẫn duy trì quản lý cư trú đối với công dân. Điều khác biệt là hình thức quản lý thay vì thủ công bằng sổ giấy như trước đây thì nay chuyển sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại và hiệu quả hơn. Người dân vẫn cần làm các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Tuy nhiên cơ quan công an sẽ không cấp sổ giấy nữa mà sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về dân cư. Khi cần giải quyết các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, cơ quan chức năng sẽ khai thác thông tin ở Cơ sở dữ liệu về dân cư do Bộ Công an quản lý.
Sau một thời gian dài chuẩn bị và đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, đến thời điểm này, các đơn vị liên quan trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng đều đã hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền có quy định xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện về đường truyền, trang thiết bị,... sẵn sàng phục vụ cho việc giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường số; tích cực tuyên truyền đến người dân, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, thực hiện các phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy khi giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện 1 trong 7 phương thức sau để sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy:
1. Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú (Tại khoản 1 Điều 3, Điều 18 và Điều 20 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân);
2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ Căn cước công dân có gắn chip;
3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân;
4. Thực hiện tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự;
5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ);
6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an);
7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
Như vậy, từ ngày 01/01/2023, công dân cần phải có 1 trong 4 loại giấy tờ để thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, đó là: căn cước công dân gắn chip; tài khoản định danh điện tử; giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với người chưa được cấp căn cước công dân. Do đó mọi công dân đến độ tuổi cần khẩn trương đến cơ quan Công an gần nhất để làm căn cước công dân gắn chip và đăng ký tài khoản định danh điện tử để được đảm bảo thực hiện quyền lợi của mình khi sổ hộ khẩu giấy chính thức bị bãi bỏ.