Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa dân gian - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Gặp chị lần đầu khi chị về nhận nhiệm vụ mới tại trường THCS Tô Hoàng, lần gặp ấy đã để lại nhiều ấn tượng khó quên và sự thiện cảm về nữ Hiệu trưởng sinh năm 1973 quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Hôm ấy, chị đứng lên với dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh nhưng khi chị cất lên tiếng nói thì khác hẳn với dáng vẻ bên ngoài. Giọng nói của chị dứt khoát, mạnh mẽ và quyết đoán.
Có lẽ chị sinh ra là để làm việc, bởi vừa mới về trường chị đã có những kế hoạch cụ thể và tiếp nối những gì đang được triển khai ở đây. Nói chuyện với chị khi đang chuẩn bị cho bài giảng điện tử. Lúc đó tôi vẫn còn bối rối vì đây là lần đầu tiên tôi thực hiện bài giảng E - learning. Chị hỏi tôi và chỉ ngay cho tôi cần liên hệ với người có chuyên môn để học hỏi. Tôi cảm thấy rất vui và cũng thấy được tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như sự gắn kết của chị với đồng nghiệp. Từ cảm xúc đó đã thúc đẩy tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để không phụ lòng một con người có nhiều nét đặc biệt như chị.
Khả năng làm việc của chị hiện rõ trên khuôn mặt, nụ cười và cả hành động. Lúc nào gặp chị, tôi cũng thấy chị đang suy nghĩ về một việc gì đó, hoặc khi ngồi bên làm việc thì chị luôn mê mải, say sưa. Khi về trường, chị xây dựng ngay chương trình chào năm học mới rất chuyên nghiệp. Tôi thấy được sự rõ ràng, rành mạch và khoa học trong mỗi việc chị làm. Lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam đầu tiên của chị dưới mái Trường Tô Hoàng có lẽ có rất nhiều cảm xúc. Chị không nói ra nhưng tôi cảm nhận ở chị một nhiệt huyết tràn đầy, một tình yêu công việc mà không phải ai cũng có. Chị phát biểu trong các sự kiện của trường thật rõ ràng, cảm xúc khiến người nghe cảm thấy tin tưởng và tán thành. Dường như mọi thứ đã được con người ấy xây dựng bằng cả tình yêu và sự hy sinh vì sự nghiệp giáo dục. Trong quãng thời gian học sinh tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị đã nhanh chóng chỉ đạo hoạt động dạy và học trực tuyến của nhà trường vô cùng khoa học. Công tác tập huấn giảng dạy online, thiết kế bài dạy điện tử, công tác phòng chống dịch được chị triển khai kịp thời trong tất cả các tổ nhóm chuyên môn khiến giáo viên và học sinh không hề bỡ ngỡ với việc dạy và học trực tuyến ngay từ những ngày đầu tiên và xử lý tình huống phòng chống dịch rất khoa học trong những ngày trở lại trường sau thời gian giãn cách. Bên cạnh đó, chị phát động phong trào "Không để ai bị bỏ lại phía sau" cá nhân chị ủng hộ 02 điện thoại smartphone và 15.000.0000 đồng. Và, năm học với nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với trường THCS Tô Hoàng đã đạt được thành tích đáng khích lệ, tự hào dưới sự chỉ đạo quyết đoán của chị.
Chưa dừng ở đó, chỉ tính từ năm 2019 - 2023 chị đã phát động phong trào Trung thu cho em, “Tết sẻ chia - Xuân hạnh phúc”, tặng quà cho học sinh khó khăn của trường THCS Tô Hoàng, mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng. Tổng giá trị tiền quà: 90.000.000 đồng. Năm 2023: cá nhân chị ủng hộ 10.000.000 đồng.
Là một học sinh đã từng học chuyên và yêu thích môn Văn nên mọi lời nói và việc làm của chị được trau chuốt, nhã nhặn và mềm mại nhưng cũng rất quyết đoán, mạnh mẽ. Trước khi lên làm quản lý, chị là một giáo viên Mỹ thuật. Có lẽ, bởi trong chị có cả hai tố chất văn chương và hội họa nên công việc chị làm thật đa dạng và hiệu quả. Khi vào phòng làm việc của chị tôi thấy mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng khoa học và thẩm mỹ. Những tác phẩm hội họa treo trong phòng làm việc đều do chính tay chị vẽ. Tôi đã vô cùng thán phục khi biết ngoài những bức họa đó, chị có rất nhiều tác phẩm tham dự các triển lãm Mĩ thuật và nhận được sự đánh giá cao từ các nhà phê bình chuyên môn cũng như những người thưởng thức am hiểu hội họa.
Đối với một người luôn nhiệt huyết, dường như công việc đã cuốn hút chị để rồi chị hòa mình vào nó với niềm say mê âm thầm, lặng lẽ. Chị vừa đi làm, vừa đi học. Khi mọi người nghỉ cùng người thân vào những dịp lễ tết thì chị lại xách ba lô lên đường để nghiên cứu hoặc miệt mài triển khai công trình nghiên cứu khoa học của mình. Chị yêu văn hóa dân gian, yêu những điều giản dị, mộc mạc mà giàu ý nghĩa của người Việt. Bởi thế mà chị chọn đề tài “Cổng làng người Việt ở Châu thổ Bắc Bộ” để nghiên cứ cho luận án Tiến sĩ của mình. Tiến sĩ, nhà giáo Vũ Thị Thu Hà chia sẻ, quá trình tìm tư liệu về cổng làng của tôi bắt đầu từ cuốn “Thằng Vanh - hồi ức thời niên thiếu” của tác giả Phan Hữu Dật. Trong hồi ức về thời niên thiếu, ông viết như sau: “Các làng miền Trung nước ta làm gì có cổng làng. Ở đồng bằng Bắc Bộ, làng có cổng làng thực sự rất vững chắc. Muốn vào làng phải qua cổng làng. Xung quanh làng rào kín mít, chủ yếu bằng các hàng cây tre trồng xanh tốt. Ở làng tôi, người ngoài muốn vào ra ngả nào, chỗ nào cũng được”. Sở dĩ chị lựa chọn nghiên cứu về châu thổ Bắc Bộ bởi chỉ làng Việt ở Bắc Bộ mới có cổng làng truyền thống.
Trong quá trình chọn lựa đề tài nghiên cứu, chị nhận thấy nếu làng Việt vùng châu thổ Bắc Bộ được giới nghiên cứu quan tâm bao nhiêu thì chiếc cổng làng lại được ít được chú ý bấy nhiêu. Những tài liệu đề cập đến cổng làng thực sự ít ỏi. Đặc biệt hơn, chị đã tìm hiểu trên các văn bia ở các làng chị đã từng đến, tìm trong hương ước của làng, trong tuyển tập 5.000 hoành phi câu đối của tác giả Đinh Bá Thân và Phan Thị Thùy Vinh để tìm xem trên các văn bia có ghi năm xây dựng hay tu sửa cổng làng mục đích để biết được cổng làng đó được xây từ năm nào nhưng đều không cho thông tin nào, mặc dù những việc lớn nhỏ của làng đều được lưu giữ trên các văn bia, văn chỉ của làng... Và cuối cùng chị quyết định dùng phương pháp tập hợp cứ liệu, hồi cố phỏng vấn để tìm hiểu sâu hơn về cổng làng bằng phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian trong suốt bảy năm điền dã về các làng quê để được tìm hiểu thêm về chiếc cổng làng Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ.
Suốt bảy năm chị làm nghiên cứu khoa học, tôi không chứng kiến một cách cụ thể chị vượt qua những khó khăn trong công việc và cuộc sống như thế nào, nhưng tôi cảm nhận được nó vô cùng vất vả và chắc chắn chị phải là một người giàu bản lĩnh mới vượt qua và hoàn thành. Luận án Tiến sĩ của chị cuối cùng đã thành công. Khi cầm cuốn sách tóm lược công trình nghiên cứu của chị, chắc chắn ai đọc cũng cảm nhận rõ ràng tâm huyết và công sức chị dành cho khoa học. Công trình nghiên cứu đó là sự kết hợp của cả văn hóa dân gian, văn học, mỹ thuật, kiến trúc và tâm huyết của người làm nghiên cứu. Người đọc có thể hiểu hơn về văn hóa dân gian của vùng Bắc Bộ nước ta, ý nghĩa sâu xa ở từng cổng làng qua những bức ảnh và tranh vẽ. Và, con người bé nhỏ nhưng đầy năng lượng ấy đã say sưa, miệt mài viết bài nghiên cứu gửi các tạp chí nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa dân gian... Các bài viết của chị đã cung cấp thông tin, đưa ra những nhận định sắc sảo, làm dày thêm những nghiên cứu vốn rất ít ỏi về cổng làng Bắc Bộ. Có thể kể đến một số bài viết tiêu biểu: "Vấn đề bảo tồn cổng làng cũ, xây dựng cổng làng mới" đăng trên Tạp chí chuyên ngành Văn hóa dân gian - Số 2 (140)/2012, Cổng làng, truyền thống và biến đổi đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Số 335 (tháng 5/2012), Chức năng của cổng làng xưa và nay đăng trên Tạp chí chuyên ngành Văn hóa dân gian - Số 3 (147)/2013, Hình ảnh và biểu tượng trong kiến trúc, điêu khắc trang trí ở cổng làng đăng trên Tạp chí chuyên ngành Văn hóa dân gian - Số 3 (159)/2015, Cổng làng trong cuộc sống đương đại đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Số 373 (tháng 7/2015).
Nói về công việc và niềm say mê của chị thì không thể nói hết được, thành tích chị đạt được cũng rất nhiều và nếu nêu ra thì có lẽ cũng rất dài. Hơn 20 năm chị ở trường cũ mọi kì thi, thành tích cao nhất của một người giáo viên chị đều có đủ. Tính đến năm 2022, gần 20 năm liên tiếp chị liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Chị có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và đề tài khoa học áp dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Năm 2022, đề tài khoa học về việc chỉ đạo dạy và học môn Khoa học tự nhiên chương trình GDPT 2018 trong nhà trường THCS của chị được công nhận cấp Thành phố. Chị đạt nhiều thành tích ở các mặt trong công tác quản lý và nhận Bằng khen Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Nhìn bề ngoài con người ấy thì nhiều người không thể hình dung nổi chị làm được nhiều điều đến thế.
Trong công việc, có thể dùng hai từ ngắn gọn để nói về chị, đó là: khoa học và nhiệt huyết. Chính điều đó đã đưa chị đến với trường Tô Hoàng và thay đổi mái trường này một cách tích cực nhất. Mọi hoạt động được đẩy mạnh, từ phong trào dạy và học đến các phong trào văn hóa, văn nghệ, ngoại khóa, tất cả như được chị khoác lên một chiếc áo mới đầy màu sắc và hiệu quả cao. Chị luôn đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu để từ đó bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu quả công việc. Với học sinh, người đứng đầu con thuyền ấy luôn yêu thương, tạo điều kiện cho các em học tập và thể hiện khả năng của mình. Nhiều cuộc thi được đưa về cho học sinh để các em có sự trải nghiệm và khẳng định khả năng. Học sinh của trường Tô Hoàng từ đó đã chứng minh tài năng của mình với các bạn trường khác và tạo ấn tượng tốt trong lòng phụ huynh về mái trường thân yêu này.
Khi làm việc thì rõ ràng, khoa học là vậy, đối với đồng nghiệp chị luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ những khó khăn và cũng rất nghiêm khắc. Đối với giáo viên đã có nhiều năm gắn bó trong sự nghiệp, chị luôn tạo điều kiện để học cống hiến và phát triển hơn trong công việc. Với giáo viên trẻ, chị luôn chỉ bảo, thúc đẩy họ học tập, rèn luyện để năng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cũng thẳng thắn phê bình để họ cố gắng hơn. Trong các hoạt động của nhà trường, cô Hiệu trưởng luôn quan tâm đến đồng nghiệp, hòa mình cùng hoạt động chung, khiến mọi khoảng cách giữa mọi người ngắn lại. Chúng tôi tiến lại gần nhau hơn, thấu hiểu, chia sẻ và cùng nhau cố gắng xây dựng một môi trường giáo dục tốt và một cuộc sống thân thiện.
Một hoạt động mà chị tham gia thường xuyên và rất nhiều đó là hoạt động thiện nguyện. Chị đến rất nhiều những vùng đất khác nhau của tổ quốc để giúp đỡ các em học sinh nghèo chia sẻ tới các em những thứ cần thiết hỗ trợ cho việc học và cuộc sống của mình. Năm 2022, chị cùng giáo viên, học sinh nhà trường tham gia các hoạt động thiện nguyện tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh với tổng giá trị quà: 30.000.000 đồng, cá nhân chị ủng hộ: 3.000.000 đồng.
Mỗi lần đến những mái trường khó khăn trên cả nước, hay đến thăm hỏi, tặng quà tri ân các bác thương bệnh binh, chị lại nhận được sự cảm kích, yêu mến và gắn bó biết bao.
Cô Hiệu trưởng của Trường THCS Tô Hoàng vừa nhiệt huyết vừa tài năng, với gia đình chị cũng luôn chăm lo và hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình. Chị ở trường nhiều hơn ở nhà nhưng những bữa cơm của gia đình vẫn do một tay chị chuẩn bị. Công việc học hành của các con chị luôn quan tâm và định hướng tốt nhất. Với người bạn đời chị luôn thấu hiểu, yêu thương, sẻ chia và cùng gánh vác khó khăn trong cuộc sống. Chị dành tình yêu thương cho bố mẹ chồng như những người sinh ra mình. Bởi thế mà chị luôn được người thân thông cảm và tạo điều kiện để chị làm việc sao cho hiệu quả nhất. Chị là một tấm gương phụ nữ Việt Nam của thời đại mới giỏi việc trường, đảm việc nhà.
Nhìn vào những gì chị cống hiến, ai cũng cảm nhận một điều đặc biệt của con người ấy và thêm yêu mến và cảm phục. Chị khiến cho mỗi giáo viên thấy rằng: Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động tâm hồn học sinh; có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người. Con người ấy đến với sự nghiệp giáo dục bằng cả tri thức, tình yêu thương và lòng nhiệt huyết. Bởi thế mỗi lần quan sát chị làm việc mọi người đều cảm thấy yên tâm và cùng muốn được cống hiến.
Chị là một điển hình mẫu mực cho hình ảnh người thầy trong xã hội hiện đại. Viết về chị tôi lại nhớ đến câu nói của Mustafa Kernal Ataturk: "Một thầy giáo tốt như một ngọn nến - ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác". Chị truyền cảm hứng cho đồng nghiệp trong công việc, đem đến tình yêu cho học trò và sự gắn kết giữa con người với con người. Bởi thế, dù mới chỉ hơn ba năm gắn bó với Trường THCS Tô Hoàng, chị như cơn gió mang bao đổi thay và thành tích cho nhà trường. Nhiều kì thi Giáo viên dạy giỏi được chị thúc đẩy và cuối cùng đều đạt kết quả cao. Nhiều giáo viên đạt giải cao trong các kì thi Giáo viên dạy giỏi cấp Quận, cấp Thành phố, đặc biệt ngay trong năm học 2021-2022 kết quả thi vào lớp 10 THPT nhà trường nằm trong Top 5 cấp quận và đứng thứ 25/598 trường THCS trên toàn Thành phố; có 01 giáo viên của nhà trường đạt giải Nhì cấp Thành phố môn Mỹ thuật. Nhiều hoạt động tập thể được tổ chức, tham gia và đều để lại dấu ấn trong lòng giáo viên và học sinh. Học sinh của trường cũng từ đó tích cực học tập và tham gia các hoạt động. Các em đạt giải cao trong các kì thi, các em khẳng định được khả năng và chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong cảm nhận của giáo viên và học sinh toàn trường, cô Hiệu trưởng thật tài năng, nhiệt huyết và thân thiện.
Là một giáo viên, người quản lý mẫu mực, tiến sĩ, nhà giáo Vũ Thị Thu Hà đã thực sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhiều thành tích. Bằng tình yêu nghề và tài năng của mình, đây thực sự là một con người đặc biệt. Không cầu kỳ, hoa mỹ, điều đặc biệt ấy là sự giản dị, chân thành, khoa học mà chị đem đến cho các thế hệ học trò. Đây là tấm gương sáng trong sự nghiệp giáo dục và sự thúc đẩy cho sự phát triển của Trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.