Nhân dân quận Hai Bà Trưng phát huy truyền thống, xây dựng nếp sống Người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Ngày đăng 07/07/2020 | 16:31  | Lượt xem: 2064

Quận Hai Bà Trưng là một trong những quận trung tâm của Thành phố, vị trí ở phía đông nam nội thành Hà Nội, là địa bàn có vinh dự được mang tên hai vị nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Diện tích tự nhiên của quận 10,09 km2, dân số hiện nay khoảng 318.880 người.

Là một quận được hình thành từ lâu, trong quá trình phát triển đi lên cùng Thủ đô anh hùng, nhân dân quận Hai Bà Trưng đoàn kết xây dựng Quận ngày càng vững mạnh. Quận ủy, HĐND, UBND quận luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan tâm tới phát triển văn hóa, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong Quận. Quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng Nhà sinh hoạt cộng đồng địa bàn dân cư, xây dựng Trung tâm thể dục thể thao,... Nhiều phường có tủ sách pháp luật. 18/18 phường có hệ thống đài truyền thanh không dây phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Thành phố và Quận, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân. Trên địa bàn Quận có nhiều công trình văn hóa của Trung ương và Thành phố: Nhà hát cải lương, Nhà hát Chèo, Rạp xiếc Trung ương, Khu triển lãm văn hóa Vân Hồ, Công viên Thống Nhất nhằm phục vụ đông đảo nhân dân trong Quận và Thành phố.

Các phòng, ban ngành, đoàn thể quận luôn tích cực phối hợp với UBND các phường trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Chuyên đề số: 157/CĐ-UBND ngày 15/10/2016 của UBND quận về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2016-2020.

Việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong toàn Quận. Trong các buổi hội diễn từ cơ sở đến Quận, ca nhạc truyền thống chiếm phần lớn chương trình biểu diễn. Trong nhiều năm qua, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô, nhiều hoạt động biểu diễn văn hoá nghệ thuật tại các hội diễn, sân khấu ngoài trời được tổ chức chu đáo, thu hút đông đảo nhân dân tới dự và tham gia. Các chủ đề “Đảng - Mùa xuân - Dân tộc”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Bác Hồ niềm tin sáng mãi”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Ngôi sao thế kỷ”,…đã đi vào lòng người, tạo được không khí sinh hoạt văn hóa sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều cuộc thi ca hát từ phường đến Quận được tổ chức. Nhiều dàn hợp xướng quần chúng được dàn dựng công phu có trên 100 diễn viên đủ các lứa tuổi tham gia. Các bậc cao tuổi, các cháu thiếu niên, nhi đồng cùng cất cao tiếng hát trong một dàn hợp xướng trang nghiêm và xúc động, tạo không khí vui vẻ phấn khởi trong nhân dân.

Ngày hội văn hóa đọc được tổ chức hàng năm, với mục đích khuyến khích người dân nâng cao văn hoá đọc sách, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Luôn quan tâm đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao, trong những năm qua gần 200 câu lạc bộ từ phường tới quận được thành lập, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, tham gia nhiều cuộc thi đấu cấp Thành phố và Quốc gia các môn võ Vovinam, bóng rổ, bóng bàn, erobic, khiêu vũ thể thao,… với thành tích đạt hơn 100 huy chương các loại mỗi năm.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được phát động sâu rộng, mang lại hiệu quả cao trong đời sống chính trị văn hóa của Quận, góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Nhiều phong trào được phối hợp triển khai thực hiện: “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội”, “Nuôi lợn nhựa” của chị em phụ nữ, “Sạch nhà, sạch phố đẹp Thủ đô”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nhà trường văn hóa, Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”.  Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giữ gìn vệ sinh môi trường, ngõ phố xanh, sạch, đẹp. Mô hình thi đua “Tiếp tục xây dựng tuyến phố Bà Triệu là tuyến phố “Hai không”: Không rác và không có quảng cáo rao vặt trái phép”. Nhiều tuyến đường phố trên địa bàn Quận do các đoàn thể đảm nhận được duy trì đảm bảo vệ sinh sạch đẹp. Các chân rác ứ đọng lâu ngày được xử lý triệt để, góp phần làm cho bộ mặt đô thị của Quận ngày càng sạch đẹp, khang trang.

Nhiều hội thi được triển khai nhằm cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ pháp luật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tiến bộ. Các hội thi “Gia đình văn minh hạnh phúc”, “Tổ trưởng dân phố giỏi”, “Gia đình văn hóa thể thao”, “Tuyên truyền dân số”, “Tuyên truyền pháp luật”, “Tuyên truyền phòng chống ma túy”, “Cán bộ văn hoá  giỏi” tạo điều kiện nâng cao nhận thức của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu của đời sống xã hội. Chú trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với các tiêu chí cụ thể. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 86,9%, tổ dân phố văn hóa đạt 75,14%, đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hóa đảm bảo chỉ tiêu thành phố giao. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội có chuyển biến tốt. Một số đơn vị nhiều năm triển khai tốt công tác: phường Nguyễn Du, Vĩnh Tuy, Phạm Đình Hổ, Đồng Nhân, Cầu Dền, Bách Khoa, Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Thanh Nhàn,…

Việc triển khai tuyên truyền 2 bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều hình thức, nội dung phong phú, hiệu quả: Tổ chức Hội thi Tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng cấp phường và quận dưới hình thức sân khấu hóa; tổ chức Hội nghị tọa đàm về nâng cao hiệu quả thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các tổ dân phố; cấp phát hơn 800 cuốn sổ tay, hơn 78.000 tờ gấp Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, CCVC và người lao động trong cơ quan nhà nước đến từng đơn vị, tổ dân phố làm tài liệu tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc nội dung văn hoá ứng xử. 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã thực hiện ký cam kết chấp hành nghiêm túc văn hoá nơi công sở  đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn quận đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, 100% các phường trên địa bàn đã tổ chức hội thi cấp cơ sở và tham gia Chung khảo hội thi cấp Quận. Đội thi tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng của Quận tham gia hội thi cấp Thành phố đạt giải Nhất và 01 giải phụ cho tiểu phẩm có nội dung tuyên truyền đặc sắc nhất. Thông qua hội thi các thành viên của các đội thi đã thể hiện là những cộng tác viên tích cực trong công tác tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng đến toàn thể nhân dân. Đặc biệt tăng cường việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, tạo nét đẹp trong văn hóa giao tiếp ứng xử xây dựng đội ngũ cán bộ “Kỷ cương - Trách nhiệm - Nhiệt tình - Thân thiện” góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh, từ đó xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với chính quyền các cấp.

Hội nghị biểu dương “Người tốt - Việc tốt”, “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học” tiêu biểu cấp Quận được tổ chức hàng năm. Nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương tôn vinh. Một nét đẹp văn hóa đang ngày càng được phát huy, đó là việc xây dựng nếp sống văn hóa ứng xử văn minh của người Hà Nội được thực hiện ngay từ “Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp” trong cộng đồng dân cư, nhất là những việc làm tình nghĩa “Tối lửa, tắt đèn có nhau”, chăm sóc người nghèo, người già cô đơn, gia đình thương binh liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam, người bị tàn tật. Văn hóa ứng xử được lan tỏa rông rãi trong cộng đồng dân cư, có nhiều chuyển biến tốt từ nhận thức đến hành vi. Xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Luôn nhắc nhở nhau học Bác về đạo đức cần - kiệm - liêm - chính trong từng việc làm bình dị hàng ngày: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống cao đẹp, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Với truyền thống đoàn kết, đồng sức đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong quận Hai Bà Trưng, từng bước tạo dựng được chuẩn mực văn hóa trong cộng đồng dân cư, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Xây dựng nền văn hóa vì con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoan dung. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.