Du lịch quận Hai Bà Trưng - Di sản và điểm đến
Sáng ngày 10/10, tại địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến Chiến luỹ Ô Cầu Dền - Liên khu II, Quận uỷ - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng tổ chức dâng hoa, ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Liên khu II nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Văn Nam - Thành ủy viên, Bí thư Quận uỷ; đồng chí Trần Quyết Thắng - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận; đồng chí Nguyễn Quang Trung - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; đồng chí Nguyễn Xuân Diệp - Uỷ viên Ban Thường vụ Quận ủy - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam quận. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Quận uỷ, trưởng các ban xây dựng Đảng, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, trưởng các tổ chức CT - XH quận, trưởng các phòng, ban, ngành thuộc quận; đại diện lãnh đạo Đảng uỷ - UBND - UB MTTQ Việt Nam 18 phường và Nhân dân trên địa bàn.
Trên con đường Đại Cồ Việt ghi đậm dấu ấn lịch sử của Chiến lũy Ô Cầu Dền năm xưa. Chiến lũy Ô Cầu Dền trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là điểm quyết chiến của quân dân Liên Khu II, nằm trên chiến tuyến phòng ngự liên hoàn ba cửa ô: Đống Mác - Cầu Dền - Đồng Lầm phía Đông - Nam Hà Nội. Tại chiến lũy Ô Cầu Dền, từ ngày 20-12-1946 đến 17-1-1947, đã diễn ra những trận đánh ác liệt, chặn đứng, đẩy lùi các cuộc tiến công của địch; thu hút, giam chân địch để ban đêm, quân dân Liên khu II luồn sâu, tập kích các vị trí địch trong nội thành, lập nên những chiến công oanh liệt. Thành tích trên góp phần cùng quân dân Thủ đô Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong 60 ngày đêm, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm Hà Nội trong 24 giờ của giặc Pháp, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc cuối năm 1946.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân quận Hai Bà Trưng đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng, không quản ngại hy sinh, khó khăn gian khổ, kiên trì đẩy mạnh chiến tranh du kích trong lòng địch, nuôi giấu cán bộ cách mạng, tham gia đánh giặc, được tôi luyện và nhanh chóng trưởng thành trong cuộc kháng chiến, phần lớn các lực lượng vũ trang của Liên khu II gia nhập trung đoàn 66 và trung đoàn 48 Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục trường chinh chống giặc, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta và của Thủ đô Hà Nội.
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, quận Hai Bà Trưng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, trang trí làm đẹp trụ sở cơ quan Đảng, Chính quyền, trường học, các đơn vị và các trục đường chính trên địa bàn Quận với số lượng: hàng nghìn cờ đảng, cờ tổ quốc, hồng kỳ; hơn 800 banner; hàng trăm phướn lớn, Pano cố định, cụm pano tam, tứ giác, đảo cờ; đặc biệt là 04 cụm mô hình và 15 bảng tin điện tử công cộng (màn hình LED), hàng nghìn cờ dây, cờ màu các loại tại các khu dân cư, cầu vượt, khu vực trung tâm của quận, tạo không khí vui tươi phấn khởi của ngày hội trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu với chủ đề “70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô”; tổ chức và tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, Cuộc thi “Đại sứ - Văn hóa đọc”; cuộc thi Phường sáng, xanh, sạch, đep, an toàn; tham gia diễu hành khối di sản tại Ngày hội văn hóa vì hòa bình; tổ chức ngày chạy Olimpic và phát động Giải chạy Báo HàNộimới mở rộng lần thứ 49 vì hoà bình...; tổ chức lễ gắn biển các công trình: trường Tiểu học Võ Thị Sáu, dự án chỉnh trang đồng bộ xung quanh Hồ Thiền Quang và công trình Dự án Vườn hoa Thi Sách; tổ chức thăm và tặng quà gia đình chính sách, người có có công trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa khác.
Trước Phù điêu Chiến lũy Ô Cầu Dền - hình ảnh mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc, đoàn đại biểu cán bộ và Nhân dân quận Hai Bà Trưng kính dâng những lẵng hoa tươi thắm, ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Liên khu II trong những ngày tháng lịch sử tại Chiến lũy.