GƯƠNG ĐIỂN HÌNH NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT

Hơn hai thập kỷ thổi lửa đam mê cho nhiều học sinh
Publish date 17/04/2024 | 16:00  | Lượt xem: 551

Không bằng cấp sư phạm, lại khuyết tật về giọng nói, nhưng chị Nguyễn Thị Lan Phương (sinh năm 1975), trú tại ngõ 120 đường Dương Văn Bé, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội luôn được nhiều cô cậu học trò cũng như phụ huynh học sinh kính trọng gọi với cái tên trìu mến “cô giáo Phương”.

Suốt 26 năm nay, không chỉ hỗ trợ kèm cặp kiến thức cho nhiều học sinh tiểu học và THCS có học lực trung bình trở nên tiến bộ, chị còn truyền cảm hứng, thổi lửa đam mê, nghị lực sống và học tập cho nhiều học sinh ở Thủ đô.

Chị Phương vốn là người làng Kẻ Vẽ, quận Bắc Từ Liêm, vì sớm phải tự lập, bươn chải, mưu sinh nên đến thuê trọ tại ngõ 120 đường Dương Văn Bé, phường Vĩnh Tuy từ hơn 20 năm trước cho đến tận bây giờ.

Chị sống một mình trong căn phòng trọ rộng chừng hơn 10m2 với các bức tường bao quanh đã hoen màu thời gian. Thứ tài sản quý giá nhất trong căn phòng chị ở không có gì ngoài những cuốn sách cũ và mới, được chị xếp thành từng chồng cao vút hoặc trang trọng sát nhau trong mấy chiếc tủ gỗ đã cũ sờn. Chị bảo, nơi đây chính là quê hương thứ hai của mình, là nơi chị được sống với khát vọng đẹp nhất trong cuộc đời - được làm “cô giáo”, được đóng góp giá trị của bản thân cho cộng đồng xã hội.

Chị Phương kể, vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ nhỏ, đã phải chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Do mẹ sinh em sớm nên khi mới lên một tuổi, chị đã phải ở với vú nuôi, thiếu vắng tình thương yêu, săn sóc của mẹ cha. Mãi đến năm lên 4 tuổi, nhờ được bà nội giục bố mẹ đưa đi khám và chữa trị ở bệnh viện, cô bé Phương mới bắt đầu bập bẹ nói được vài từ. Dần dần, biết nói nhiều hơn nhưng cô bé lại không may mắn, vĩnh viễn bị ngọng mất 3 âm.

Khiếm khuyết bản thân, cộng với hoàn cảnh nghèo khó, đứa trẻ ấy lớn lên trong sự bỏ mặc và ánh mắt thương hại của người đời. Từ khi lên 5 tuổi đã phải lam lũ bươn chải, làm đủ nghề từ đan lát, bắt tôm, bán hàng, trông xe,... để kiếm sống. Người bạn, đồng thời là điểm tựa tinh thần duy nhất với cô bé Phương trong suốt những năm tháng tuổi thơ là những cuốn sách, cuốn báo vô tri nhưng giàu cảm xúc và thấm đẫm những triết lý sống.

Vì vậy, lúc nào trong thâm tâm, cô bé ấy cũng luôn khát khao có cuộc sống tươi sáng hơn và được khẳng định giá trị của bản thân. Nên suốt cả 3 cấp học, chị Phương luôn tự nỗ lực học gấp nhiều lần các bạn khác để dành được kết quả tốt nhất.

Tốt nghiệp THPT năm 17 tuổi, vì không có điều kiện để theo đuổi ước mơ vào đại học, chị Phương phải đi làm thuê để tự nuôi sống bản thân. Dù phải làm giúp việc cho một quán ăn quần quật từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm; rồi làm công nhân cho một Công ty may cách nhà 20 cây số... nhưng lúc nào chị cũng khát khao được đi học tiếp.

Để thực hiện được mơ ước của mình, cô gái mới 17 tuổi đầu ấy không những chăm chỉ làm việc, mà còn biết chủ động tích cóp chi tiêu, vừa gửi một phần tiền lương về cho em út ôn thi vào lớp 9, vừa biết tiết kiệm một khoản để đầu tư học hành sau này.

Sau 2 năm gắn bó công ty may, tích cóp được một khoản vốn liếng nho nhỏ, chị Phương quyết định xin nghỉ việc để ôn thi đại học. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, chị không trúng tuyển vào trường mà mình mơ ước. Khi đang không biết sẽ làm gì tiếp theo thì chị được một người bạn làm cùng công ty may cũ đề nghị làm gia sư cho cháu. Và nghề gia sư gắn bó với chị từ đó.

Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, chị Phương cho biết, rất vất vả: Vì bản thân nói ngọng 3 âm, nên khi giảng bài cho các em học sinh, chị vừa phải nói, vừa phải dịch bằng ngôn ngữ viết trên bảng. Nhưng may mắn, dần dần, các em không chỉ hiểu được lời chị nói mà còn thông cảm và yêu thương chị nhiều hơn.

Để có tiền trang trải cuộc sống và mua sách vở, tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu giảng dạy, hàng ngày song song với công việc gia sư, chị Phương còn phải làm rất nhiều việc từ nhặt đồng nát, bán rau, nhận may thêm cho các xưởng may tư nhân,... để kiếm thêm thu nhập. Khoảng 8 năm liên tục, chị làm việc theo thời gian biểu kín mít ấy, chỉ có khoảng 4 tiếng để ngủ một ngày. Vất vả vô cùng, nhưng theo chị, bản thân luôn cảm thấy hạnh phúc bởi chị đã tự tin hơn trong cuộc sống và đang chiến thắng số phận; từng bước khẳng định giá trị của mình trong xã hội. Vì vậy, chị Phương luôn nhủ lòng mình rằng: “Chấp nhận số phận và làm việc nhiều hơn để chiến thắng”.

Từ khát khao được học tập và được yêu thương của chính bản thân, chị dành hết tâm huyết cho các cô cậu học trò nhỏ. Trong các tiết học, chị Phương luôn giảng dạy cặn kẽ, nhiệt tình cho học trò, không bao giờ nặng lời với con trẻ. Chị luôn hướng đến tiêu chí dạy thật, học thật, tạo môi trường học tập thân thiện cho các em. Học với chị, đói các em học sinh được ăn, khát các em được uống, được giải đáp mọi vướng mắc về môn Toán, được bộc lộ hết khả năng của mình. Với các lỗi sai, chị chỉ bảo từng chút một. Chị luôn khuyến khích các em tích cực đặt câu hỏi, chia sẻ với cô giáo những khúc mắc, những bài toán mình chưa hiểu để cô giảng.

Bên cạnh việc dạy các em học sinh kiến thức, chị còn luôn trò chuyện, gần gũi, chia sẻ để hiểu hơn về hoàn cảnh của từng em. Bằng chính câu chuyện của cuộc đời mình, chị giáo dục chân thành, đưa ra những lời khuyên bổ ích, giúp các em học sinh có thêm động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống.

Vì vậy, 26 năm làm gia sư, nhiều em học sinh từ học lực trung bình, sau thời gian được chị Phương kèm cặp đã vươn lên thành học sinh khá. Nhiều em học sinh khá đã trở thành học sinh giỏi. Rất nhiều em thi đỗ vào cấp ba với điểm số cao: 9,10; nhiều em đã trở thành giảng viên, bác sĩ, nhà báo,... có sự nghiệp thành công. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều lao động nghèo ở khu vực quận Hai Bà Trưng có con em trong độ tuổi tiểu học và THCS tìm đến gửi gắm con cho chị Phương kèm cặp. Từ chỗ chỉ kèm tại nhà một vài em, tới nay chị Phương đã có hàng trăm em học sinh theo học. Rất nhiều trong số đó là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chị Phương tình nguyện dạy miễn phí, coi đó là món quà ý nghĩa, thôi thúc tinh thần học tập cho học trò, cũng như viết tiếp ước mơ dang dở của chính chị.

Trân trọng gọi chị Phương bằng cô giáo, có những học sinh từng là một trong những học trò được cô Phương kèm cặp, bảo ban môn Toán suốt bốn năm học THCS. Với họ, tuy không phải là một giáo viên được đào tạo chính quy nhưng cô Phương có cách truyền đạt dễ hiểu và sự nhiệt huyết với nghề rất lớn; đặc biệt cô rất thương trẻ con. Những ngày bố mẹ tôi vắng nhà, cô không chỉ dạy học mà còn chăm sóc tôi như không khác gì con đẻ của mình. Nhớ nhất là những ngày sát kỳ thi tuyển vào THPT, cô Phương đã cùng tôi ôn luyện đến khuya mà không hề lấy tiền công. Khi tôi báo tin đỗ vào trường cấp 3 theo đúng nguyện vọng, cô Phương đã khóc vì hạnh phúc với kết quả của học trò. Bởi vậy, tôi luôn trân quý sự nhiệt huyết và cái tâm đối với học sinh của cô. Đặc biệt, nghị lực vượt qua nghịch cảnh của cô Phương như ngọn lửa, tiếp thêm cho tôi động lực học tập và phấn đấu được như ngày hôm nay”.

Còn đối với nhiều phụ huynh, chị Phương là một nhà giáo giàu tâm huyết và đáng kính. Ban đầu, thấy gia cảnh cô giáo nghèo, lại nói ngọng, khiến họ có phần e ngại. Nhưng chính tấm lòng và kiến thức của cô đã chinh phục tất cả. Cô Phương thương yêu học sinh hết lòng. Chính tình thương của cô đã đem đến cho học sinh niềm đam mê với sách vở, các cháu trước đây lười học, ham chơi, tuy nhiên, sau một năm theo học cô Phương, cháu đã thay đổi hoàn toàn, thích học và tiến bộ, từ học sinh tiên tiến nay đã trở thành một học sinh giỏi của lớp.

Tới nay, sau nhiều năm gắn bó với nghề dạy chữ, chị Phương đã giúp cho bao nhiêu lứa học trò nên người. Càng yêu nghề dạy học, chị Phương càng hạnh phúc khi lần lượt được chứng kiến từng lứa học trò trưởng thành và trở thành người có ích trong xã hội. Hai từ “cô giáo Phương” đối với chị thật thiêng liêng và cao quý, đó là cả một quãng thời gian đầy chông gai chị mới có được. Nó đã mang đến cho chị sự hãnh diện, sự biết ơn và cả sự kính trọng.

Giờ đây, ở tuổi 50, ước mơ cháy bỏng của người dạy chữ khuyết tật này là sẽ có một lớp học lớn hơn để có thể truyền niềm đam mê học tập nhiều con em lao động nghèo.

Chị Phương cũng khát khao một ngày gần đây nhất sẽ mở ra một thư viện sách cộng đồng, nơi đó sẽ có nhiều người đến đọc gần 300 cuốn sách mà chị đã sưu tầm được trong suốt nhiều năm qua và họ sẽ được truyền thêm động lực và khát vọng sống với những điều tốt đẹp.