PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

Bài tuyên truyền phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo
Publish date 02/04/2024 | 16:00  | Lượt xem: 1551

Từ đầu năm 2024 đến nay cả nước đã xảy ra 18 ca tử vong nghi dại, do bệnh dại ở 14 tỉnh thành trong cả nước; Năm 2023 số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70 000 người.

Từ đầu năm 2024 đến nay cả nước đã xảy ra 18 ca tử vong nghi dại, do bệnh dại ở 14 tỉnh thành trong cả nước; Năm 2023 số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70 000 người. Gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã xẩy ra trường hợp chó dại cắn 14 học sinh và giáo viên trong trường học. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ ngày 05 tháng 01 năm 2024 đến nay đã xảy ra 02 ổ dịch bệnh dại động vật trên địa bàn huyện Sóc Sơn làm chết và tiêu hủy 09 con chó, mèo. Số người bị chó cắn và người có tiếp xúc với chó dại phải đi tiêm phòng vắc xin là 07 người.

Trước tình hình dịch bệnh dại diễn biến phức tạp, ngày 14/3/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 22/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. UBND Thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn Thành phố.

 Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại, ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, đặc biệt là do chó, mèo thả rông, nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe người dân trên địa bàn; UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành các văn bản số 413/UBND-KT ngày 12/3/2024 về việc chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn quận Hai Bà Trưng; văn bản số 518/UBND-KT ngày 25/3/2024 về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại; văn bản số 551/UBND-KT ngày 28/3/2024 về việc Tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại đợt cao điểm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

1. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nguy hiểm cho người và nhiều loại động vật.

- Triệu trứng của bệnh dại gồm 2 thể:

+ Thể điên cuồng: Thời kỳ đầu con vật thay đổi thói quen, trở nên lo lắng, bứt dứt, giận dữ, có khi bỗng trở nên vui vẻ, quấn quýt với chủ. Con vật ăn uống bình thường, chỉ hơi sốt nhẹ. Sau đó là thời kỳ kích thích. Con vật có biến loạn về thần kinh: Có biểu hiện hoảng loạn, kêu la, chạy nhảy điên cuồng, vồ bóng, vồ mồi, bỏ ăn, nước dãi chảy nhiều, lông khô. Sau thời gian ủ bệnh, chó lên cơn dữ dội, mắt đỏ ngầu, chảy dãi, xùi bọt trắng như xà phòng quanh mép, không còn cảm giác, đi như điên lao vào mọi người kể cả chủ để cắn xé một cách tàn bạo, sợ nước, sợ gió. Chó bỏ ăn hay nhai nuốt bất kể vật gì mà nó nhìn thấy.

+ Thể bại liệt: Con vật biểu hiện buồn bã, bồn chồn ăn ít hay bỏ ăn, thích nằm yên trong những chỗ tối (Góc nhà, gầm tủ, gầm giường) gầy sút nhanh chóng, Vài ngày sau đó chó bị liệt chân, liệt hàm không tự há mồm ra được nhưng nước bọt vẫn chảy quanh mép. Chó chết sau 3-5 ngày trong trạng thái bại liệt hoàn toàn.

2. Phương pháp theo dõi và xử lý khi chó, mèo xuất hiện các biểu hiện bất thường.

- Khi phát hiện chó, mèo có các biểu hiện bất thường như: Bỗng nhiên trở nên hung dữ cào, cắn người hay động vật khác một cách vô cớ, có các biểu hiện như các triệu trứng của bệnh dại đối với chó, mèo thì chủ vật nuôi phải báo ngay cán bộ thú y phường, UBND phường; trạm Chăn nuôi và thú y quận; đồng thời nhốt riêng chó, mèo nghi mắc bệnh để theo dõi trong vòng 21 ngày.

- Chó, mèo chưa được tiêm vắc xin phòng dại không được nhốt chung chuồng với chó, mèo dại, nghi mắc bệnh dại.

3. Các biện pháp phòng chống bệnh dại.

- Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho toàn bộ chó, mèo trên địa bàn. Tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% tổng đàn thuộc diện tiêm. Vắc xin phòng dại là loại vắc xin tế bào vô hoạt Rabicin tiêm cho chó, mèo đang nuôi khoẻ mạnh, ăn uống bình thường, có độ tuổi từ 2 tháng trở lên. Liều tiêm 01ml/con.

- Đối với người khi bị chó, mèo nghi bị dại cắn: Cần rửa vết thương bằng xà phòng, sau đó dùng rựu hay cồn rửa lại, đến ngay cơ sở y tế tiêm phòng vaccin và kháng huyết thanh dại trong vòng 10 ngày.

- Đối với người nuôi chó, mèo thực hiện nghiêm túc “5 không” :

Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương;

Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại;

Không nuôi chó thả rông;

Không để chó cắn người;

Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm.