PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

Quận Hai Bà Trưng triển khai tiêm chủng vắc xin Uốn ván - Bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng
Publish date 13/12/2024 | 09:46  | Lượt xem: 108

Từ ngày 10/12/2024, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng triển khai tiêm chủng vắc xin Uốn ván - Bạch hầu (Td) trong chương trình TCMR trên địa bàn quận.

Thực hiện Kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội về việc triển khai tiêm chủng vắc xin Uốn ván - Bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên địa bàn thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 291/KH-UBND ngày 19/11/2024 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc triển khai tiêm chủng vắc xin Uốn ván - Bạch hầu (Td) trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, từ ngày 10/12/2024, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng triển khai tiêm chủng vắc xin Uốn ván - Bạch hầu (Td) trong chương trình TCMR trên địa bàn quận.

Đối tượng được tiêm lần này là trẻ đang học lớp 2 năm học 2024 - 2025 (bao gồm trẻ từ 7 tuổi) và trẻ 7 tuổi không đi học đang sống trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Đối tượng ngoại trừ là trẻ dưới 7 tuổi và/hoặc đã được tiêm đủ 05 mũi vắc xin có chứa thành phần Uốn ván, Bạch hầu trước đó và/hoặc đã tiêm vắc xin có thành phần Uốn ván - Bạch hầu trong vòng 01 tháng trước ngày tiêm (phải có bằng chứng thể hiện trên Phiếu/Sổ tiêm chủng/Phần mềm quản lý tiêm chủng).

Mục tiêu cần đạt được của hoạt động là tỷ lệ tiêm vắc xin Bạch hầu - Uốn ván cho trẻ 7 tuổi đang sinh sống, hoạt tập trên địa bàn quận đạt trên 90%. Hoạt động tiêm chủng được triển khai phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

Phạm vi triển khai tiêm chủng tại 18/18 phường của quận Hai Bà Trưng. Địa điểm tổ chức tiêm tại các trường học, Trạm Y tế và các điểm tiêm chủng lưu động khác tùy thuộc vào tình hình địa phương. Vắc xin được sử dụng là Vắc xin Td do Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất. Mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 liều 0,5 ml vắc xin đã pha hồi chỉnh.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc triển khai tiêm chủng, Trung tâm Y tế đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức điều tra, rà soát tiền sử tiêm vắc xin có chứa thành phần Uốn ván - Bạch hầu của trẻ học lớp 2 tại tất cả các trường tiểu học trong và ngoài công lập, lập danh sách các trẻ chưa tiêm đủ 5 mũi vắc xin có chứa thành phần Uốn ván - Bạch hầu theo từng lớp, từng trường và lên phương án tổ chức điểm tiêm chủng phù hợp. Các đơn vị cũng phối hợp điều tra tiền sử tiêm chủng của các trường hợp trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng, đảm bảo 100% trẻ trong diện tuổi được điều tra. Sau đó, xác định số trẻ chưa được tiêm chủng đủ 5 mũi vắc xin có chứa thành phần Uốn ván - Bạch hầu theo từng địa bàn. Các Trạm Y tế phường gửi giấy mời đến từng hộ gia đình thông qua giáo viên (với trẻ đi học) hoặc gửi gửi giấy mời tới tận hộ gia đình (trẻ không đi học) thông qua màng lưới cộng tác viên, y tế, tổ dân phố.

 Trung tâm Y tế cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn y tế như điều tra đối tượng, cung ứng và bảo quản vắc xin, tổ chức buổi tiêm chủng, giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.

Để hoạt động tiêm chủng đạt hiệu quả cao, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Các nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến về lợi ích, đối tượng, loại vắc xin, phản ứng phụ có thể gặp của vắc xin. Các nội dung được cung cấp kịp thời, chính xác, giúp cha mẹ học sinh và người dân dễ dàng nắm bắt được các thông tin về đối tượng tiêm, thời gian, địa điểm tổ chức và hiệu quả của việc tiêm chủng.

Quan sát thực tế tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng được tổ chức đảm bảo nguyên tắc một chiều, đảm bảo không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm. Các điểm tiêm bố trí đầy đủ khu vực chờ trước tiêm chủng, khu vực đón tiếp, khu vực khám sàng lọc tư vấn trước tiêm, khu vực tiêm chủng và khu vực theo dõi sau tiêm chủng. Các điểm tiêm tại trường học, ngoài số nhân lực là cán bộ y tế theo quy định, quận còn huy động Ban Giám hiệu Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm từng lớp, cán bộ Y tế trường học và giáo viên hỗ trợ.