Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận, sáng ngày 14/7/2023, tại trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng, số 33 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng tổ chức hội nghị sơ kết công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận dự và chủ trì hội nghị; cùng dự có lãnh đạo, chuyên viên các phòng, ban chuyên môn thuộc quận; Chủ tịch UBND và công chức thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư của UBND 18 phường.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hà - Chánh Thanh tra quận trình bày báo cáo tổng hợp tình hình công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, phòng chống tham nhũng trên địa bàn quận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị diễn ra sôi nổi qua phần trao đổi công tác của các thành viên dự họp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận đề nghị các phòng, ban chuyên môn, UBND các phường phát huy những kết quả tích cực đã được ghi nhận, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và chỉ đạo cụ thể về phương hướng trong thời gian tới của năm:
1. Về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:
- Quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 25/6/2014 của Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16/12/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội; Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2018. Bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy, Quận ủy để phối hợp giải quyết.
- Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất của người đứng đầu, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo; lấy kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ.
- Tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các công trình dự án; chế độ chính sách… Mọi đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân phải được xem xét, giải quyết một cách nghiêm túc, đúng quy định, tăng cường đối thoại với công dân, tuyệt đối không được né tránh, đùn đẩy, gây bức xúc trong Nhân dân.
- Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Chủ tịch UBND các phường chủ động rà soát những vụ việc còn tồn đọng, chưa được giải quyết triệt để để tiếp tục giải quyết; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nắm chắc tình hình, báo cáo kịp thời những vụ việc mới phát sinh tại cơ sở có khả năng khiếu kiện đông người, vượt cấp nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo với UBND quận (thông qua Thanh tra quận) để UBND quận có biện pháp xử lý, chỉ đạo giải quyết.
- Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Chủ tịch UBND các phường nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, chỉ đạo và triển khai nghiêm túc việc thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có hiệu lực pháp luật, các kết luận Thanh tra.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thống kê về giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Thông tư 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ, định kỳ báo cáo hàng tháng, quý, năm về Thanh tra quận để tổng hợp báo cáo UBND quận theo quy định.
- Thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động, tuyên truyền, giáo dục các đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn chấp hành đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
- Chủ tịch UBND các phường nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục ngay đối với những hạn chế, thiếu sót trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện sau kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được đoàn kiểm tra thành lập theo Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 07/3/2023 của UBND quận chỉ ra.
2. Về công tác thanh tra, kiểm tra:
- Trên cơ sở kế hoạch công tác thanh tra được Chủ tịch UBND quận phê duyệt, giao Thanh tra quận tiếp tục triển khai 02 đoàn thanh tra và 1 đoàn kiểm tra theo kế hoạch (quý III + IV/2023). Yêu cầu các đơn vị có liên quan phối hợp để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.
- Thưc hiện thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật thanh tra.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, công tác theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Tăng cường hoạt động kiểm tra xử lý sau thanh tra theo Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.
- Nghiêm túc thực hiện việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra tại Khoản 1 Điều 29 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra
- Tập trung triển khai Luật Thanh tra (sửa đổi) năm 2022 và các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Thanh tra có hiệu lực pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác của ngành thanh tra.
3. Về công tác phòng chống tham nhũng:
Tiếp tục thực hiện các Chương trình, kế hoạch đã xây dựng về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Kịp thời xây dựng các Chương trình, kế hoạch triển khai Luật phòng, chống tham nhũng và các chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, Quận ủy khi có phát sinh và chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Chấp hành tốt chế độ thông tin, báo cáo định kì, đột xuất về công tác phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của cấp trên, cơ quan chuyên ngành về phòng, chống tham nhũng có thẩm quyền. Các phòng, ban, ngành, UBND các phường, các đơn vị khác thuộc quận trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, chấp hành chế độ thông tin báo cáo định kì, đột xuất về công tác phòng, chống tham nhũng phục vụ công tác tổng hợp chung toàn quận; đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác định kỳ theo quy định của Nghị định 59/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN.