Quận ủy Hai Bà Trưng tổ chức lớp bồi dưỡng tuyên truyền phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ngày đăng 14/09/2023 | 10:00  | Lượt xem: 150

Ngày 12/9/2023, Trung tâm Chính trị quận Hai Bà Trưng phối hợp với ban Dân vận Quận uỷ tổ chức khai giảng lớp Chuyên đề: Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi, bổ sung năm 2022; có hiệu lực từ 01/7/2023).

Tới dự buổi khai giảng có Đồng chí Vũ Văn Hoạt - Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng ban Dân vận Quận ủy; đồng chí Đặng Thị Minh Hảo - Giảng viên chính trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cũng là giảng viên của buổi tập huấn; cùng lãnh đạo, chuyên viên, Ban Dân Vận, Trung tâm Chính trị Quận và các đồng chí học viên của lớp gồm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ Dân vận địa bàn dân cư 18 phường trên địa bàn Quận.

Đồng chí Vũ Văn Hoạt - Uỷ viên Ban Thường vụ Quận uỷ, Trưởng Ban Dân vận khai mạc lớp học

 

Tại buổi khai giảng đồng chí: Vũ Văn Hoạt - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Quận ủy phát biểu nhấn mạnh theo Hồ Chủ tịch: Dân chủ là kết quả nhận thức sâu sắc vai trò của Nhân dân trong lịch sử. “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”; “Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”; “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền". Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ. Người chỉ rõ địa vị của Nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và Nhân dân là chủ thể của quyền lực. Đây là nội dung cốt lõi trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, phản ánh giá trị cao nhất, chung nhất của dân chủ là quyền lực thuộc về Nhân dân: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ.

Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật

Các đại biểu dự  lớp học Chuyên đề 

 

Trong quá trình học Báo cáo viên đã phổ biến các văn bản luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sửa đổi, bổ sung năm 2022; có hiệu lực từ 01/7/2023, trao đổi và giải đáp thắc mắc của học viên...  Qua lớp học, các học viên nắm được quy định đối với cán bộ công chức hành chính trong thực thi nhiệm vụ để giám sát có hiệu quả. Đồng thời hiểu về pháp luật để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện, theo đúng Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng". Việc ban hành Luật dân chủ ở cơ sở và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đã đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân về tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Qua trao đổi tại buổi tập huấn, học viên đã nắm rõ ý nghĩa, mục đích Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, mà còn là pháp lý quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm phát huy vai trò của bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, các cán bộ làm công tác ở cơ sở còn nắm rõ nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm cán bộ cơ sở được giám sát, kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu nhằm đảm bảo dân chủ ở cơ sở được thực hiện hiệu quả, nghiêm túc, thực chất.