Thường trực HĐND quận Hai Bà Trưng tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề của Thường trực HĐND Thành phố về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Ngày đăng 01/07/2024 | 11:26  | Lượt xem: 211

Ngày 19/6/2024, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu HĐND Thành phố đến các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Dự hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề tại điểm cầu quận Hai Bà Trưng có ông Nguyễn Văn Nam - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 4 HĐND Thành phố. Cùng dự có Thường trực HĐND quận, đại diện lãnh đạo UBND quận, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, lãnh đạo hai Ban HĐND quận, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn có liên quan thuộc quận, đại diện Liên đoàn Lao động quận, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận cùng đại diện hơn 30 cử tri trên địa bàn quận,…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ tọa phiên họp nhấn mạnh: Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề được Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật; đồng thời nắm bắt ý kiến phản ánh của cử tri về thực trạng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố.

Theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam: Công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố được thực hiện chủ động, căn cứ trên tình hình thực tiễn và đặc thù của thành phố, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương đã ban hành. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tập trung mọi nguồn lực, tìm mọi biện pháp, không ngừng đổi mới nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bắt kịp xu thế và sự thay đổi của xã hội. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên, đa dạng ngành, nghề và doanh nghiệp tham gia với số lượng lớn vị trí việc làm đã góp phần thúc đẩy công tác giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Tại buổi tiếp xúc chuyên đề, cử tri đã có 17 ý kiến, kiến nghị về các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và các chính sách liên quan đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; các vấn đề đào tạo, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động, các chính sách vay vốn giải quyết làm, bảo hiểm xã hội,… Cử tri cho rằng cần thêm những chính sách phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề. Theo đó, hiện nay nhiều ngành đào tạo trong các trường đại học sẽ có sự thay đổi về mặt nhu cầu của thị trường lao động, vậy thành phố đã có sự chuẩn bị như thế nào để lao động của thị trường Hà Nội có thể đáp ứng nhu cầu và cạnh tranh với thị trường lớn hơn. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy điện tử, da giày, thời trang,… đặt ở vùng ven Hà Nội hiện đang tìm lao động tại các địa phương nhưng gặp khó do chênh lệch chất lượng. Điều này đặt ra bài toán liên thông, liên kết vùng, cách tiếp cận của người lao động với nghề phù hợp để doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước không còn gặp khó vấn đề tuyển lao động. Bên cạnh đó, đại diện các trường đào tạo nghề cho rằng, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhưng tuyển dụng tỉ lệ thấp; nhiều ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo robot không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội phải tìm về các tỉnh. Do đó, Hà Nội cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao. Cử tri cũng đề nghị thành phố tăng kinh phí đào tạo, tập huấn an toàn lao động, nhất là ở các làng nghề truyền thống; cần đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp; thành phố xem xét tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề ở các địa phương.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu quận Hai Bà Trưng

Phát biểu tiếp thu các ý kiến cử tri, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết: Hà Nội sẽ xác định đào tạo ngành nghề mũi nhọn đáp ứng xu thế phát triển của Thủ đô. Hiện, Hà Nội đã xây dựng lộ trình mô hình các trường nghề, trong đó có 4 trường đào tạp chất lượng cao, bảo đảm điều kiện vận hành, kiểm định chất lượng; đồng thời trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề công lập, quan tâm xứng đáng qua việc hỗ trợ chính sách đặc thù. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có cơ chế chính sách đặc thù cho từng nhóm đối tượng trong đào tạo, giải quyết việc làm. Về những kiến nghị giải quyết việc làm, nhất là lao động phổ thông cần được bồi dưỡng, đào tạo dưới 3 tháng, đồng chí cũng đề nghị các địa phương khảo sát đối tượng, xác định nhu cầu để đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Với vị trí vai trò đặc biệt của Thủ đô, yêu cầu đặt ra về đời sống việc làm rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chỉ đạo bằng nghị quyết, chương trình công tác tác, tiêu biểu là Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Đồng tình với một số giải pháp của UBND thành phố trong lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị khi triển khai thực hiện cần quan tâm về giải pháp, lộ trình; các kế hoạch triển khai phải khoa học, thực chất, hiệu quả, trong đó cần có giải pháp căn cơ, đảm bảo cung - cầu hợp lý; đánh giá kỹ lĩnh vực nào cần để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển, đời sống.