PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
Hỏa hoạn luôn là mối hiểm họa khó lường, thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, tính mạng cũng như thiệt hại lớn về tài sản. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số nơi, đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), dẫn đến xảy ra các vụ cháy nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 06/10/2023, Trung tâm Chính trị quận tổ chức triển khai học tập và thực hành công tác PCCC cho 100% cán bộ, nhân viên cơ quan.
Phát biểu tại buổi học, đồng chí Nguyễn Duy Sơn - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên Giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận cho biết: Công tác phòng cháy chữa cháy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là đã bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho xã hội và mọi gia đình. Trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các cơ quan đơn vị. Ở các khu đông người thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người và thực hiện tốt bốn tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), để mọi người có những hành động thiết thực ngăn chặn tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại về tính mạng và tài sản cho mọi người.
Giảng viên buổi học Nguyễn Anh Sơn đã truyền đạt các kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy:
Để thực hiện tốt công tác phòng cháy, cần xác định các nguyên nhân dẫn đến cháy, trong thực tế chúng ta có thể thấy việc cháy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa từ trước, ví dụ:
1. Hệ thống điện kém an toàn: Dây dẫn nhỏ, cắm nhiều thiết bị điện trên 1 ổ cắm điện dẫn đến quá tải gây chập cháy; dây dẫn cũ, đặt những vật dễ cháy ở gần ổ điện....
2. Hút thuốc để lại tàn chưa dập tắt vào các thùng rác
3. Xạc điện, xạc điện thoại, xạc máy tính,…
Để công tác PCCC có hiệu quả mỗi người, mỗi nhà cần khắc phục tốt các yếu tố có thể dẫn đến chập cháy nêu trên.
Các biện pháp cần thiết khi xảy ra sự cố cháy:
1. Khi phát hiện có cháy cần bình tĩnh, hô hoán báo động để những người xung quanh biết, nhưng tránh tạo không khí hoang mang, mất bình tĩnh cho những người xung quanh, có thể hô, hoán báo cho mọi người cùng hỗ trợ chữa cháy.
2. Nếu đám cháy nhỏ: Dùng bình xịt PCCC xịt trực tiếp vào đám cháy sau đó dập cầu giao điện, nếu không có bình PCCC thì dập cầu giao điện sau đó dùng nước, chăn ướt để dập đám cháy.
3. Nếu đám cháy lớn:
- Dập cầu giao điện, tìm cách khống chế đám cháy: dùng bình xịt PCCC, kích hoạt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động của cơ quan,... để khống chế.
- Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114.
- Tìm cách đưa người già, trẻ em ra ngoài: trong quá trình thoát nạn không nên chạy (vì chạy sẽ thở nhiều mệt và hít phải khói độc có thể dẫn đến bỏng phổi,...) nên đi khom người, hạ thấp trọng tâm hoặc quỳ, bò theo sát mép tường nhà, cầu thang, dùng vật dụng: khăn, quần áo, dẻ thấm nước, vắt khô bịt miệng để đi thoát nạn.
- Nếu bị kẹt trong thời gian chờ người đến cứu hãy biết cách sinh tồn trong đám cháy.
Biện pháp phòng ngừa cháy nổ tại đơn vị:
1. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các thiết bị điện lắp đặt trong cơ quan phải đảm bảo an toàn.
2. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong cơ quan ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong cơ quan khi không cần thiết.
3. Cơ quan có trang bị bình chữa cháy gia đình yêu cầu toàn bộ nhân viên cơ quan biết cách sử dụng, đảm bảo chữa cháy tốt, hiệu quả khi xảy ra sự cố.
4. Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.
5. Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, thay thế đường dây dẫn điện đã cũ, hỏng; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, dơ le, attomat,… cho từng khu vực.
6. Tuyên truyền vận động mọi người đến tham gia lớp học và hội nghị tại Trung tâm thực hiện tốt các quy định về phòng chống cháy nổ tại Trung tâm chính trị.
Sau buổi học, cán bộ, nhân viên cơ quan nắm vững được Luật phòng cháy và chữa cháy mỗi người tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, các biện pháp phòng ngừa và sinh tồn trong đám cháy. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy tại cơ quan để hạn chế cháy sẩy ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho nhân viên trung tâm và người đến tham gia các lớp học và hội nghị tại trung tâm Chính trị quận Hai Bà Trưng