Phát huy vai trò công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng
Ngày đăng 08/08/2024 | 10:45  | Lượt xem: 2360

Giải phóng mặt bằng được xem là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tiến độ triển khai một dự án; tuy nhiên trong nhiều năm qua nhờ phát huy vai trò và vận dụng sáng tạo công tác dân vận để tạo đồng thuận trong Nhân dân, “nút thắt” các dự án trọng điểm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng được tháo gỡ thuận lợi, đảm bảo tiến độ.

Giải phóng mặt bằng được xem là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tiến độ triển khai một dự án; tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhờ phát huy vai trò và vận dụng sáng tạo công tác dân vận để tạo đồng thuận trong Nhân dân, “nút thắt” các dự án trọng điểm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng được tháo gỡ thuận lợi, đảm bảo tiến độ. Từ thực tiễn hiện nay có thể thấy, hầu như các công trình, dự án khi thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) đều có những khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường; nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, GPMB chưa cao đã ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội...

Nhận thức rõ việc này, tập thể lãnh đạo Quận Hai Bà Trưng luôn sâu sát, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn. Với đặc điểm là một quận nội thành của Thành phố Hà Nội, hạ tầng kỹ thuật tương đối ổn định. Trong những năm qua, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thực hiện công tác thu hồi đất GPMB một số dự án lớn và quan trọng như: dự án đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng), dự án đường Nguyễn Đình Chiều kéo dài (đoạn từ Tô Hiến Thành đến Đại Cồ Việt), các dự án trên phải di dời số lượng khoảng 1800 hộ dân, cơ quan, tổ chức. Đặc biệt có những dự án quan trọng, trọng điểm như thực hiện GPMB trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu; dự án trụ sở Bộ Công an số 30 Trần Bình Trọng; dự án mở rộng nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông; dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật, thắng cảnh hồ Thiền Quang và di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa; các dự án kết nối giao thông khu vực khác. Đồng thời chuẩn bị thực hiện công tác GPMB một số dự án như dự án xây dựng Cung văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội tại địa chỉ số 1-3 phố Tăng Bạt Hổ; các ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Hà Nội,…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả vai trò của công tác dân vận, đến hết tháng 6/2024, công tác GPMB đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó có thể kể đến việc hoàn thành 100% công tác GPMB đối với 02 dự án trên địa bàn phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng do Bộ Công An làm Chủ đầu tư, đó là dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu (đã thu hồi 3.666,52m2 đất đối với 57 chủ sử dụng nhà đất gồm 03 tổ chức và 54 hộ gia đình, cá nhân, ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) và dự án Trụ sở Bộ Công an số 30 Trần Bình Trọng (thu hồi đất của 06 hộ gia đình với diện tích khoảng 278,09m2 đất). Công tác GPMB đối với 02 dự án này đã được cấp trên ghi nhận về những nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc của cả tập thể Lãnh đạo Quận ủy, UBND quận, UB MTTQ Việt Nam quận, phường và các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ - với thời gian thực hiện thần tốc trong vòng 06 tháng kể từ ngày UBND quận ban hành thông báo thu hồi đất, được nhân dân hoàn toàn đồng thuận mà không phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trường hợp nào, hiện 02 dự án đã hoàn thành công tác thu hồi đất, và bàn giao đầy đủ mặt bằng cho Chủ đầu tư triển khai thi công đảm bảo tiến độ. Đối với các dự án còn lại, hiện nay UBND quận cũng đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban, ngành và đơn vị có liên quan để khẩn trương hoàn thành công tác GPMB trong năm 2024, trong đó có dự án mở rộng nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông, các dự án kết nối giao thông trên địa bàn và một số dự án khác.

Xác định rõ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi, cần phải cân bằng lợi ích của cả chủ đầu tư và người dân, nếu vấn đề này không được giải quyết khéo léo và triệt để sẽ dẫn đến việc tranh chấp kéo dài. Chính vì vậy, để đạt hiệu quả, kết quả và đảm bảo tiến độ GPMB thì công tác dân vận chính quyền và thực hiện dân chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong nhiệm vụ thu hồi đất giải phóng mặt bằng, giúp kết nối, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, Quận ủy, UBND quận Hai Bà Trưng luôn xem công tác dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị quận, phường, các phòng, ban đơn vị thuộc quận, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức công vụ; tăng cường sự phối hợp của MTTQ, huy động hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ tham gia công tác dân vận, giải quyết những vấn đề bức xúc của người bị thu hồi đất, qua đó đã tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ phía người bị thu hồi đất để hoàn thành công tác GPMB đảm bảo tiến độ.

Từ những kết quả của công tác GPMB trên địa bàn quận thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, cần xác định công tác giải phóng mặt bằng là việc làm khó, phức tạp, do đó cần có sự tập trung vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai đồng bộ, nhất quán, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân. Đưa việc lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng vào chương trình công tác của cấp ủy và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trong diện bị thu hồi đất cũng như nhân dân trong khu vực.

Hai là, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Chỉ thị 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/11/2021 “về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, xác định rõ công tác dân vận, tuyên truyền giữ vai trò “đi trước, mở đường”, là “giải pháp mềm” thông qua thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo để lan tỏa, truyền tải đầy đủ, chính xác, kịp thời, minh bạch chủ trương, pháp lý và chế độ chính sách cụ thể của dự án tới các chủ sử dụng nhà, đất trong phạm vi GPMB, có tính quyết định giúp thay đổi quan điểm và ý thức cộng đồng về giá trị, lợi tích của dự án đầu tư. Do đó, việc rà soát, thống kê đầy đủ tình hình nhân khẩu, hộ khẩu, nhân thân của từng trường hợp trong diện thu hồi đất để phân loại theo từng nhóm (đảng viên, cán bộ Công an, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, kinh doanh, buôn bán...), nắm chắc diễn biến tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất phải được thực hiện ngay từ ban đầu, từ đó có những phương án tiếp xúc, phương pháp vận động, tuyên truyền linh hoạt, đa dạng dưới nhiều hình thức cho phù hợp với từng trường hợp, từng nhóm đối tượng cụ thể.

Ba là, quá trình thực hiện bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022: “Lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn” và Ban Thường vụ Thành ủy tại Nghị quyết số 08/NQ-TU, ngày 15/9/2016 là “đảm bảo tốt hơn lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi phải di chuyển, giải phóng mặt bằng”, do đó phải đặt nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người bị thu hồi đất để tạo được tiếng nói chung, sự thống nhất giữa chính quyền, chủ đầu tư và người dân trong diện bị thu hồi đất, thúc đẩy quyền làm chủ của Nhân dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật..

Bốn là, tuân thủ Luật thực hiện Dân chủ cơ sở trên nguyên tắc bảo đảm quyền của công dân, tiếp tục phát huy thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở với nội dung: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các Phường có dự án triển khai đã phát huy vai trò giám sát của Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng trong quá trình tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất GPMB. Đẩy mạnh công tác công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách áp dụng, thông tin về dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại trụ sở UBND các phường, tại địa điểm nơi có đất bị thu hồi, tới các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ quận đến các địa bàn dân cư, tổ dân phố

Năm là, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư ngay từ ban đầu, ngay tại cơ sở, tại nhà dân cũng là một trong những biện pháp căn cơ, nhằm giải quyết gốc rễ các vấn đề vướng mắc, mâu thuẫn có thể nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Thành ủy Hà Nội, đề cao việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền với MTTQ, các đoàn thể và nhân dân nhằm nắm bắt trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của dân mà còn bước đầu giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của dân theo đúng thẩm quyền của các cấp, ngành chuyên môn.

Sáu là, chú trọng việc gây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở được trang bị kiến thức về pháp luật, được tập huấn chuyên môn về công tác giải phóng mặt bằng, đổi mới về phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” bởi bản thân mỗi cán bộ cơ sở đều là một tuyên truyền viên - đây chính là đầu mối, là kênh tư vấn, hỗ trợ, nắm bắt thông tin tốt nhất, gần dân nhất, giúp cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án hiểu rõ, hiểu đúng về dự án và chính sách được áp dụng, giảm thiểu tối đa sự bức xúc, tạo sự ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, sớm chấp hành Quyết định thu hồi đất, bàn giao mặt bằng theo quy định, đáp ứng tiến độ dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bảy là, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chi tiết, rõ ràng có tính khả thi, sát với thực tiễn, phân công trách nhiệm rõ ràng, có thời hạn hoàn thành cụ thể ngay từ bước đầu, làm cơ sở để thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, đánh giá việc tổ chức thực hiện, nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh những bất cập cho phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, báo cáo cấp trên hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho đến nay được hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ, một số dự án trọng điểm của Thành phố và Bộ Công an đã hoàn thành, vượt tiến độ cấp trên giao. Để có được thành tích đó cấp ủy, chính quyền từ Quận đến cơ sở, các cơ quan tham mưu luôn coi trọng công tác dân vận là kim chỉ nam cho việc vận động người dân, tổ chức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực Quản lý đất đai - Giải phóng mặt bằng, xây dựng quy trình thực hiện đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; kịp thời giải quyết các nội dung đơn thư, kiến nghị của công dân không để đơn thư tồn đọng, kéo dài, vượt cấp; việc áp dụng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định, đảm bảo thỏa đáng, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.