Chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, sáng ngày 12/8/2024, Phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng long trọng tổ chức Khánh thành hạng mục tu bổ, tôn tạo di tích “Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945”.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam; Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung; các Phó Chủ tịch UBND quận: Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Văn Phúc, Nguyễn Thị Thu Hiền; các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy; lãnh đạo các tổ chức CT-XH quận, các phòng, ban ngành quận; lãnh đạo các phường trên địa bàn quận; lãnh đạo, các tổ chức CT-XH, đoàn thể và Nhân dân phường Vĩnh Tuy.
Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945 hiện tại ở địa chỉ ngõ 339 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy. Khu tưởng niệm xưa kia thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Tấm bia đá “Hà Thành Hợp Thiện” (tức Hội Hợp Thiện Hà Thành), dựng ngày 01/02 năm Bảo Đại thứ 2 (năm 1927) cho biết: Năm Bính Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 18 (năm 1906), Hội Hợp Thiện đã mua khu đất này để xây dựng thành Nghĩa trang Hợp Thiện.
Những năm 1944-1945, người dân một số tỉnh, thành lân cận đổ về Hà Nội, rất nhiều người trong số đó đã không qua được nạn đói hoành hành. Người dân Hà Nội khi đó đã tự bảo nhau quy tập hài cốt của những người bị chết đói đưa về để chôn cất tại Nghĩa trang Hợp Thiện.
Khu tưởng niệm do Hội Hợp Thiện xây dựng năm Tân Mão (1951), để quy tập hài cốt của những người bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945 ở rải rác quanh khu vực Nghĩa trang Hợp Thiện và một số nơi trên các đường phố Hà Nội. Năm 1963, ở địa điểm 2B Quang Trung có một số ngôi mộ vô thừa nhận cũng được quy tập về đây, đặt trên hầm mộ của đồng bào chết vì bị oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945 và cho khắc bia đá để ghi nhớ sự kiện này.
Khu tưởng niệm là chứng tích cuối cùng sau nạn đói lịch sử năm 1944-1945 còn sót lại trên địa bàn toàn miền Bắc, Việt Nam (từ Quảng Trị trở ra). Ngày 18/12/2001, Khu tưởng niệm đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích Lịch sử cấp Thành phố theo Quyết định số 7836/QĐ-UB.
Ngày 05/8/2005, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 5563/QĐ-UB về việc gắn biển Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945 là một trong 47 điểm di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội, với nội dung: “Đây là nơi tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945, nơi ghi dấu tội ác của phát xít Nhật và đế quốc Pháp đã gây nên thảm họa trên 2 triệu người Việt Nam bị chết vì nạn đói”.
Việc tu bổ, tôn tạo Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945 là nội dung trong triển khai thực hiện Chuyên đề số 11 ngày 13/7/2021 của Quận ủy về việc Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận Hai Bà Trưng gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 199 ngày 17/7/2024 của UBND quận về việc Tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di tích “Khu tưởng niệm đồng bào chết vì bị oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945”.
Tại chương trình, các đồng chí lãnh đạo quận, phường và Nhân dân trên địa bàn đã thành kính dâng hương tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945.
Nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn phường nói chung và khu tưởng niệm nói riêng, phường Vĩnh Tuy sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giữ gìn di tích, thực hiện mở cửa đón khách vào các ngày trong tuần, đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết và tháng 7 Âm lịch hằng năm.