GIỚI THIỆU CHUNG
Quận Hai Bà Trưng nằm ở phía Đông Nam nội thành Hà Nội, là địa bàn có vinh dự được mang tên hai vị Nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Lịch sử hình thành:
Trước đây, vùng đất Hai Bà Trưng thuộc các tổng Hậu Nghiêm (sau đổi là Thanh Nhàn), Tả Nghiêm (sau đổi là Kim Liên), Tiền Nghiêm (sau đổi là Vĩnh Xương) thuộc huyện Thọ Xương cũ; một số xã của huyện Thanh Trì, thuộc trấn Sơn Nam Thượng.
Từ năm 1954-1961, vùng đất Hai Bà Trưng gồm các khu phố mang tên Bạch Mai, Hai Bà, Hàng Cỏ và một phần đất thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội.
Từ năm 1961-1981, gọi là khu Hai Bà (sau gọi là khu Hai Bà Trưng).
Tháng 6/1981, khu Hai Bà Trưng chính thức gọi là quận Hai Bà Trưng gồm 22 phường: Nguyễn Du, Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân, Phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ, Đồng Nhân, Đống Mác, Bạch Đằng, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Cầu Dền, Bách Khoa, Quỳnh Lôi, Bạch Mai, Quỳnh Mai, Vĩnh Tuy, Minh Khai, Trương Định, Đồng Tâm, Giáp Bát, Tương Mai.
Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173-HĐBT, thành lập phường Mai Động thuộc quận Hai Bà Trưng trên cơ sở điều chỉnh diện tích và nhân khẩu của thôn Mai Động và xóm Mơ Táo của xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì. Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng có 23 phường.
Ngày 14/3/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 42-HĐBT, thành lập thêm phường Tân Mai trên cơ sở tách từ phường Giáp Bát. Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng có 24 phường.
Tháng 10/1990, xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì được sáp nhập vào quận Hai Bà Trưng và đổi thành phường Hoàng Văn Thụ. Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng có 25 phường.
Ngày 6/11/2003, Chính phủ ra Nghị định số 132/2003/NĐ-CP, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ (quận Hai Bà Trưng) về thuộc Quận Hoàng Mai quản lý. Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng còn 20 phường.
Các đơn vị hành chính:
Quận Hai Bà Trưng hiện có 20 phường: Nguyễn Du, Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân, Phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ, Đồng Nhân, Đống Mác, Bạch Đằng, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Cầu Dền, Bách Khoa, Quỳnh Lôi, Bạch Mai, Quỳnh Mai, Vĩnh Tuy, Minh Khai, Trương Định, Đồng Tâm.
Trụ sở UBND quận: số 30 phố Lê Đại Hành.
Tình hình kinh tế-xã hội:
- Về kinh tế: Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có nhiều nhà máy, xí nghiệp của Trung ương và Hà Nội như: Dệt Kim Đồng Xuân; cảng Hà Nội; cụm công nghiệp Minh Khai-Vĩnh Tuy với hàng chục xí nghiệp nhà máy, chủ yếu thuộc các ngành dệt, cơ khí, chế biến thực phẩm.
Kinh tế nhiều thành phần trên địa bàn quận phát triển nhanh. Hiện trên địa bàn quận có hơn 3.300 doanh nghiệp, trong đó 70% là thương mại, dịch vụ, còn lại là hoạt động công nghiệp. Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 14,5%; doanh thu thương mại, du lịch, dịch vụ tăng hơn15%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận đạt 933,841 tỷ đồng.
- Về công tác xã hội: Hơn 5 năm qua quận đã hỗ trợ sửa chữa và xây dựng 167 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ cho 1.201 hộ gia đình thoát nghèo, trên 33.000 lao động được giới thiệu việc làm. Đến nay, số hộ nghèo trong toàn quận còn 1.022 hộ (chiếm 1,35%).
- Công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình; công tác giáo dục đào tạo; công tác thông tin tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao tiếp tục giữ vững và đạt kết quả tốt trong nhiều năm qua.
Các danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng:
Quận Hai Bà Trưng có 91 di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng (đã có 33 di tích đã được xếp hạng). Trong đó có những di tích nổi tiếng như: Chùa Hương Tuyết, Chùa Liên Phái, Chùa Thiền Quang-Quang Hoa-Pháp Hoa, Đền Hai Bà Trưng, Đình Tương Mai, Di tích cách mạng 152 Bạch Mai, Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Khu tưởng niệm nạn đói năm 1945, Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến 18 Nguyễn Du v.v...
Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có hai công viên lớn là Công viên Thống Nhất và Công viên Tuổi trẻ. Trong những năm tới các công viên này sẽ được cải tạo theo hướng hiện đại và đa dạng các hoạt động, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho dân cư trên địa bàn quận và thu hút khách du lịch ở các nơi khác.
Là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa, nên quận Hai Bà Trưng vẫn còn dấu tích của ba cửa ô là ô Đồng Lầm, còn gọi là ô Kim Liên ở chỗ ngã tư đường Kim Liên-Đại Cồ Việt; ô Cầu Dền, còn gọi là ô Thịnh Yên ở cuối phố Huế giáp phố Bạch Mai; ô Đống Mác tức là ô Lương Yên, ở ngã ba Lò Đúc-Trần Khát Chân./.